Tiến đến G0 G0

Cùng với xu hướng mất dần sự đồng thuận cần có để giải quyết các vấn đề toàn cầu ở G20, vấn đề đặt ra là một khi G20 không còn đủ mạnh để nắm vai trò dẫn dắt các nghị trình quốc tế, nước nào và cơ chế nào có thể thay thế?

Không có G2

Cùng với sự lớn mạnh nhanh chóng của thế lực kinh tế Trung Quốc, một số nhà quan sát cho rằng có lẽ cơ chế G20 một lần nữa sẽ tinh lọc để còn lại G2, chỉ gồm 1 nước phát triển mạnh nhất là Hoa Kỳ, và nước đang phát triển quyền lực nhất là Trung Quốc.

Từ năm 1945-1990, sự cân bằng quyền lực toàn cầu được định nghĩa chủ yếu từ khả năng quân sự. Chính nhờ vậy khối Xô Viết mới có thể được xem là 1 cực khác trong thế giới lưỡng cực, với cực kia là Hoa Kỳ và các nước Tây Âu. Ngày nay, chính vai trò kinh tế của Trung Quốc và các thế lực mới nổi khác khiến họ thành lựa chọn sống còn cho tương lai phương Tây. Để bảo vệ "an ninh chung", Hoa Kỳ và các nước Tây Âu đã thiết lập khối NATO. Nhưng khi cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng EUR ngày một lộ rõ, nó cho thấy không có "an ninh kinh tế chung" trong một nền kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy thời gian qua người ta nói nhiều đến khả năng tan rã của khu vực kinh tế chung EUR. Không chỉ ở châu Âu, những nhà hoạch định chính sách dù ở một nền dân chủ thị trường như Hoa Kỳ hay một nước kiểm soát tư bản như Trung Quốc đều phải ưu tiên hàng đầu cho tăng trưởng và việc làm trong nước. Những tham vọng ổn định và phát triển kinh tế toàn cầu chỉ ở hàng thứ cấp.

Vì vậy, sẽ không bao giờ còn thế giới nơi Washington đảm đương tất cả, cũng như sẽ không có thế giới nơi Bắc Kinh gánh vác hết, vì tư bản ở Trung Quốc được thiết lập để đáp ứng những nhu cầu riêng biệt của Trung Quốc. Thế giới G2 bị cho là rất xa vời vì Hoa Kỳ đang mất dần nguồn lực để tiếp tục đóng vai trò nhà cung cấp hàng hóa chính của thế giới, trong khi Trung Quốc vẫn lo chú trọng đến việc phát triển đất nước hơn là chìa vai chia sẻ những gánh nặng mới đến từ bên ngoài. Thay vào đó, vì mỗi chính phủ phải làm việc để xây dựng an ninh và phồn thịnh cho riêng mình để đáp ứng các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, lịch sử của riêng họ trong một hệ thống riêng biệt ở mỗi nước. Đó là lý do vì sao dù G20 nỗ lực "tránh sai lầm của quá khứ", tình trạng bảo hộ vẫn ngày càng phát triển.

Nguy cơ G0

Tình trạng mất cân bằng mậu dịch toàn cầu vẫn lớn và ngày càng lớn hơn, tăng nguy cơ xảy ra những cuộc chiến tranh tiền tệ – không chỉ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà còn giữa các nền kinh tế mới nổi với nhau. Những bất đồng này thật ra không có gì mới, nhưng tình trạng mong manh của nền kinh tế toàn cầu hiện nay khiến việc giải quyết chúng thêm khẩn thiết, và lỗ hổng ở vị trí lãnh đạo toàn cầu sẽ khiến giải pháp cho những vấn đề này rất khó giải quyết.

Theo sau những cuộc khủng hoảng trước ở các thị trường mới nổi, như cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997, các nhà hoặc định chính sách của những nền kinh tế này kiên quyết giữ giá nội tệ của họ ở mức thấp, trong khi tăng thặng dư tài khoản vãng lai, và tự bảo vệ chống lại nguy cơ mất thanh khoản bằng cách tích trữ lượng tài khoản vãng lai ngoại tệ khổng lồ, hay tăng cường dự trữ ngoại hối. Chiến lược này phát triển một phần vì những nghi ngờ rằng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) có thể hành động như nhà cho vay cuối cùng. Những nước bị thâm hụt mậu dịch, như Hoa Kỳ, ngày càng thâm hụt nặng từ quan hệ mậu dịch với các nền kinh tế nơi đồng nội tệ bị kiềm giá. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi chỉ trích chính sách tài chính và tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai của Hoa Kỳ có thể làm sụp đổ đồng USD, ngay cả khi những thâm hụt này giúp làm nên những tài sản trong dự trữ quốc gia của các nước đó.

Trong khi đó, những tranh cãi về những đồng tiền thay thế USD, bao gồm việc gia tăng vai trò cho Quyền Rút vốn đặc biệt (SDR) như Trung Quốc đề xuất đã chẳng đi đến đâu, chủ yếu vì Washington không muốn có bất kỳ động thái nào đào mồ cho vai trò trung tâm của đồng USD xưa nay. Khả năng đồng NDT của Trung Quốc sớm thay thế USD như một loại tiền dự trữ mới cũng khó xảy ra, vì nếu như vậy, Bắc Kinh sẽ phải để NDT lên xuống tự do, giảm khả năng kiểm soát dòng vốn vào ra, tự do hóa thị trường vốn trong nước và tạo ra các thị trường nợ bằng NDT. Đó là một tiến trình dài hơi nhưng có thể mang lại nhiều rủi ro trước mắt cho sự ổn định kinh tế và chính trị ở Trung Quốc.

Ngoài ra, các nhà sản xuất năng lượng chống lại những chính sách nhắm đến việc ổn định giá thông qua việc linh hoạt hóa nguồn cung. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu năng lượng ròng, đặc biệt Nga, tiếp tục lấy việc ngừng cung cấp khí đốt như một vũ khí chính trị chính để chống lại các nước lân cận. Phần mình, các nhà tiêu thụ năng lượng ròng đưa ra những chính sách chống lại, như thuế khí thải, để giảm sự phụ thuộc đối với năng lượng hóa thạch. Những căng thẳng tương tự nảy sinh từ sự leo thang giá cả lương thực và các loại hàng hóa khác.

Xung đột quanh những vấn đề này nảy sinh giữa lúc những lo ngại kinh tế lên cao và không một nước hoặc một khối các nước đơn lẻ nào có thể đứng lên lãnh đạo thế giới giải quyết chúng. Vì vậy, có thể nói chúng ta đang sống trong 1 thế giới G0, nơi tất cả sự hợp tác quốc tế chỉ là sáo rỗng, và mỗi nước chỉ có 1 mục đích tối thượng là mưu cầu lợi ích cho riêng quốc gia họ.